Hành trình “Cùng Bạn Vượt Sóng”
Là vùng đất có khí hậu khắc nghiệt, miền Trung phải gồng mình gánh nhiều thử thách vào mỗi mùa mưa lũ. Bao thế hệ học sinh phải cùng nhau “vượt sóng” để đến được với con chữ.
Sở hữu nền văn hóa đa dạng, ẩm thực phong phú, đặc sắc và du lịch ngày càng phát triển, nhưng mảnh đất miền Trung hàng năm vẫn phải oằn mình chống chọi với thiên tai để tồn tại và phát triển.
Miền Trung nằm chính giữa dải đất hình chữ S, nối liền hai miền đất nước. Vào mùa đông, do gió mùa thổi theo hướng đông bắc mang theo hơi nước từ biển vào nên toàn khu vực chịu ảnh hưởng của thời tiết lạnh kèm theo mưa. Đến mùa hè, gió mùa tây nam thổi ngược về nên thời tiết khô nóng. Vào thời điểm này, nhiệt độ ngày có thể lên tới trên 40 độ C, trong khi độ ẩm không khí lại rất thấp. Vì vậy, bên cạnh khoảng thời gian ngắn ngủi với “hoa vàng, cỏ xanh”, miền Trung còn lại mùa đông gió rét, mùa hè nắng như đổ lửa, mùa thu hanh khô kéo dài. Và hơn nữa, mùa lũ dữ trở thành cơn ác mộng.
Diện tích đường bờ biển dài trở thành kế sinh nhai của người dân sống trên dải đất này. Nhưng đồng thời cũng là một trong những nguyên nhân khiến cuộc sống ở miền Trung khó khăn hơn mỗi đợt lũ về. Vào khoảng tháng 9, 10 âm lịch hàng năm, cả nước lại hướng về khúc ruột miền Trung đang gồng mình chống chịu những cơn lũ dữ. Lũ dâng cao cuốn phăng mọi thứ gặp trên đường, chỉ để lại nóc nhà nhấp nhô và số phận bấp bênh của người dân nơi đây, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ – những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất trong thiên tai.
Năm 2017, Việt Nam ghi nhận những con số cho thấy sự khắc nghiệt của thiên tai: Biển Đông đón 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới, trong đó, 6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới phá kỷ lục kể từ năm 1964.
Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đến tháng 12/2017, 8.126 nhà bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn và hơn 561.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, tốc mái… Tổng thiệt hại về kinh tế trên 60.000 tỷ đồng. Riêng cơn bão số 12 làm gần 1.500 ngôi nhà bị sập đổ, gần 120.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng hoàn toàn. Tổng thiệt hại ước tính hơn 20.000 tỷ.
Cũng vì thời tiết quá khắc nghiệt nên những đứa trẻ miền Trung phải chịu nhiều thiệt thòi trong hành trình đến lớp. Mùa mưa lũ hàng năm, việc nghỉ học trở thành “chuyện cơm bữa” với học sinh nơi đây. Mưa to gió lớn khiến nước lũ dâng cao, nhiều ngôi trường cũ nát oằn mình gánh chịu thiên tai qua nhiều năm, có nguy cơ sập bất cứ lúc nào. Qua mùa lũ dữ, nhiều ngôi trường bị tàn phá nặng nề, hầu hết được bà con dựng lại tạm bợ để các em kịp quay trở lại trường lớp. Cứ như thế, đường đến với con chữ của các em ngày một khó khăn, cách trở.
Nhiều nơi, hậu quả của mùa lũ trước chưa được giải quyết xong, mùa lũ năm sau đã kéo đến. Cuộc sống của người dân chồng chất khó khăn, ngân sách hạn hẹp của địa phương thiếu trước hụt sau khi có quá nhiều thứ phải dựng lại từ con số 0. Với họ, ước mơ có được những ngôi trường vững chãi trở thành điều xa xỉ, và những mái trường xiêu vẹo khi bão tan lại được sửa sang chắp vá, run rẩy chờ đến mùa mưa lũ năm sau. Không còn lựa chọn nào khác, thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh nơi đây đều thắc thỏm nỗi lo chung: Mùa mưa bão năm tới liệu rằng các em có còn được tiếp tục đến trường?
May mắn thay, khi bão lũ đi qua, người ta không chỉ nhìn thấy sự khắc nghiệt của thiên nhiên mà còn cảm nhận được tình người ấm áp. Đó là những tình nguyện viên không quản ngại ngày đêm, đường sá cách trở, lăn xả với công tác cứu trợ để người dân miền Trung vượt qua từng ngày bị bao quanh giữa biển nước mênh mông. Đó là những bàn tay siết chặt, những cái ôm động viên để bà con thêm lạc quan, xốc lại tinh thần và chung tay làm lại từ đầu giữa những đổ nát hoang tàn.
Mưa bão làm mục nát hết những sách vở, bàn ghế, đánh sập những ngôi trường vùng lũ nhưng không thể cuốn trôi tinh thần hiếu học, nỗ lực vươn lên của học trò miền Trung. Sau cơn bão, người ta vẫn nhìn thấy các em gom góp sách vở mang hong dưới nắng vàng, tỉ mẩn dọn dẹp những bộ bàn ghế còn lành lặn để chuẩn bị cho năm học mới… Giữa thiếu thốn trăm bề, thầy cô và các em vẫn không chịu đầu hàng thiên nhiên khắc nghiệt. Điều họ cần nhất là những khích lệ cả về vật chất và tinh thần để kiên cường bám trụ hành trình đến với cái chữ.
Nhiều năm qua, không ít các tổ chức, doanh nghiệp đã bền bỉ cùng chung tay hỗ trợ người dân miền Trung khắc phục hậu quả sau thiên tai. Chubb Life Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đi đầu đồng hành cũng thầy và trò của những ngôi trường miền Trung với hành trình “Cùng bạn vượt sóng”. Hành trình xuất phát từ mong muốn các em học sinh ở dải đất miền Trung có được những ngôi trường khang trang, kiên cố, giảm đi nỗi lo nơm nớp về hiểm họa chực chờ. Nhờ vậy, hàng nghìn học sinh của dải đất kiên cường này đã có thêm nhiều cơ hội được đến với con chữ dễ dàng hơn, thầy cô cùng các bậc phụ huynh cũng vì thế mà bớt đi gánh nặng đè lên tâm trí suốt bao năm ròng.
Từ năm 2005 đến nay, quỹ “Cùng bạn Vượt sóng” của Chubb Life Việt Nam cùng Chubb Charitable Foundation – International (một quỹ thiện nguyện của tập đoàn Chubb) đã đóng góp gần 23 tỷ đồng để hỗ trợ các dự án giáo dục tại Việt Nam, bao gồm xây dựng 7 ngôi trường mới, tài trợ trang thiết bị trường học và trao học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó.
Tất cả những ngôi trường do Chubb Life Việt Nam tài trợ xây dựng đều có điểm chung: Được thiết kế và thi công theo tiêu chuẩn dành cho trường học vùng lũ, đảm bảo tính kiên cố và hạn chế tối đa tổn thất do mưa bão gây ra. Vì vậy, bên cạnh chức năng của một trường học thông thường, nơi đây còn là địa điểm trú ẩn an toàn cho người dân địa phương khi có thiên tai, bão lũ. Đây là một nét độc đáo của những dự án giáo dục mang ý nghĩa “sinh tồn” này.
Năm nay, tiếp tục hành trình đầy ý nghĩa này, từ ngày 16 đến 25/10, công ty đã bắt đầu chuỗi sự kiện trao tặng các vật tư, trang thiết bị cần thiết cho hoạt động dạy và học của 5 trường tiểu học và 2 trường mầm non tại 6 tỉnh miền Trung. Thông qua Quỹ hỗ trợ phòng tránh thiên tai miền Trung, Chubb Charitable Foundation đã phối hợp cùng Chubb Life Việt Nam trao tặng máy tính, trang bị thư viện, phòng học tiếng Anh, hệ thống lọc nước sạch và các giáo cụ dạy học với tổng giá trị tài trợ gần 1,5 tỷ đồng cho các trường, trong đó có 5 trường tiểu học trước đây đã được công ty và quỹ thiện nguyện tài trợ xây mới.
“Chúng tôi tin rằng những ngôi trường mới với điều kiện dạy và học tốt hơn sẽ là bệ phóng vững chắc để nhiều thế hệ học sinh có thể tiến xa hơn trên con đường học vấn, trở thành những công dân hữu ích cho xã hội trong tương lai. Đây cũng là cách thức chúng tôi chọn để thể hiện sự cam kết gắn bó lâu dài tại thị trường Việt Nam”, ông Lâm Hải Tuấn, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Chubb Life Việt Nam, chia sẻ.
Mục tiêu trên cũng chính là niềm mơ ước của bao thế hệ học trò miền Trung cùng các bậc làm cha mẹ luôn mong muốn con mình vươn lên thoát khỏi cảnh nghèo khó. Hành trình “Cùng bạn vượt sóng” của Chubb Life Việt Nam là một trong những minh chứng cho việc thông qua nhiều hành động nhỏ, doanh nghiệp có thể tạo nên sự khác biệt và những thay đổi lớn, mang lại giá trị lâu dài và bền vững hơn cho cộng đồng địa phương.
Nguồn: Zing.vn